Ngày 6/5, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho rằng, trong trường hợp Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện được chấp thuận triển khai, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp, môi trường, thủy văn và an sinh xã hội của các tỉnh ven sông Hồng.
Cụ thể, ông Khánh nói: "Để chấp thuận được dự án này, theo tôi, các cơ quan chức năng và các nhà khoa học phải có những đánh giá căn cơ, thận trọng, chứ không thể để một doanh nghiệp đưa ra ý tưởng xây dựng dự án quá lớn, mà Chính phủ lại chấp thuận ngay được. Trong việc này, nếu chấp thuận thì hơi vội vàng".
Thủy điện trên sông Hồng: Phản ứng của các Bộ |
Ông cũng lưu ý, mức độ ảnh hưởng của siêu dự án “chặt khúc” sông Hồng là vô cùng lớn. Bình thường đắp đập thủy điện tại một con suối, tác động ảnh hưởng đã lớn. Trong khi, dự án này xây tới 6 đập thủy điện trên một con sông mà chưa ai nhắc tới việc xây thủy điện là “quá liều.”
“Cá nhân tôi cho rằng, siêu dự án này thật sự đáng lo ngại, không thể dễ dàng chấp thuận được. Và, nếu dự án được chấp thuận thì cũng phải đến cấp Quốc hội mới quyết được", ông Khánh nhấn mạnh.
Có chung quan điểm, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình cho rằng, siêu dự án sông Hồng mới chỉ là ý tưởng ban đầu, nên địa phương chưa có cơ sở để nghiên cứu cụ thể về mức độ tác động của dự án.
Các địa phương hoàn toàn không ủng hộ việc xây dự án đập thủy điện trên sông Hồng |
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng bày tỏ mối lo, nếu siêu dự án “chặt khúc” sông Hồng được chấp thuận triển khai, thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất nặng nề.
Cụ thể là, việc chặn sông làm 6 đập thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nguy cơ gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến vựa lúa của các địa phương ven biển ở trong vùng.
Ông Tuấn nói thêm: “Giả sử, các con đập thủy điện có thể chủ động được chế độ thủy văn, điều chỉnh được dòng nước kiệt, nhưng việc chặn dòng chắc chắn sẽ khiến các vùng hạ lưu bị ảnh hưởng. Vấn đề này khác gì việc điều tiết hồ chứa thủy điện đâu.
Nhất là về mùa hạn, một khi nước ngọt cạn kiệt không đủ để đẩy mặn ra, thì xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến môi trường, nông nghiệp, nhất là vựa lúa của các tỉnh ven biển ở vùng đồng bằng Bắc Bộ".
Trong khi đó, là tỉnh cũng có diện tích canh tác nông nghiệp khá lớn, ông Bùi Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định khẳng định, siêu dự án này nếu được chấp thuận, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nông nghiệp, phòng chống lụt bão, đời sống nông dân sản xuất nông nghiệp.
Ông Sơn cũng cho rằng, nếu có thể triển khai dự án này thì còn phải lấy ý kiến của các Bộ ban ngành cũng như các địa phương liên quan.
“Riêng tôi nhận thấy trong những năm gần đây, khi Trung Quốc tiến hành xây dựng các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Hồng thì các tỉnh cuối nguồn như Thái Bình, Nam Định có tác động không hề nhỏ tới tình hình sản xuất lúa,” ông Sơn nói.
Đặc biệt, trong những năm gần đây dòng chảy sông Hồng không bình thường, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn xâm nhập sâu hơn vào cửa sông, nồng độ mặn tăng lên, nên hàng năm Chính phủ và các bộ ngành liên tục chỉ đạo xả nước ở các hồ chứa phía trên để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Điều đáng nói, trong khi các địa phương lên tiếng phản đối, thậm chí chưa biết đến siêu dự án trên, thì ngày 5/5, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) khẳng định đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.
"Chúng tôi đã nhận được một số ý kiến có sự đồng thuận khá cao của các bộ, ngành, địa phương, nhưng đây mới chỉ là ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án", ông Tự nhấn mạnh.
Hơn nữa, muốn đầu tư dự án, còn phải qua ít nhất 2 bước nữa. Trước hết là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án. Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong phảiphê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo sau đó của Bộ Công thương, ông Đỗ Đức Quân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng lại khẳng định: "Hiện chưa có dự án thủy điện nào trên sông Hồng nằm trong quy hoạch của Bộ Công thương.
Ông nhấn mạnh, để trả lời về sự cần thiết và dự án này có phải là siêu dự án hay không thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT chứ không phải Bộ Công thương.
Tuệ Lâm(Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét