Trao đổi với Đất Việt, ngày 9/6, kỹ sư Bùi Hiển (62 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, thời gian qua, do vướng một số việc bận cá nhân, cộng thêm gió quá mạnh, nên việc tập luyện máy bay của ông cũng nhiều gián đoạn.
Đặc biệt, ông Hiển cho biết: "Nếu tính tổng lại, cho đến nay, tôi đã bay được hơn 30 giờ, nên vẫn phải tập luyện bay thêm với hình thức bay treo. Từ giờ đến cuối tháng 6, nếu thời tiết ủng hộ thì việc bay thử nghiệm sẽ hoàn thành.
Khi đó, tôi sẽ kiểm tra độ ổn định, an toàn của máy bay, rồi ra ngoài Bộ Quốc phòng để xin giấy phép, rồi đưa trực thăng ra sân bay Biên Hòa để bay thử nghiệm".
Trực thăng "tự chế" của kỹ sư Bùi Hiển cất cánh |
Tỷ lệ thành công theo dự đoán của ông Hiển là vô cùng cao, vì khi bay ở khu vực sân bay rất rộng, thoáng, điều kiện tốt hơn từ đường băng, đến không gian, đây là điều kiện giúp cho trực thăng của ông cất cánh tốt. Còn bãi tập hiện nay thì diện tích nhỏ, thậm chí xưởng sản xuất cũng diện tích bé.
Đặc biệt, trước đó, bản thân ông Hiển đã bay thử, trực thăng đã cất cánh với độ cao hơn 1 mét so với mặt đất, dừng khoảng 15 phút trên không.
Điều khiến ông Hiển lo lắng nhất hiện nay đó chính là thời tiết, vì giấy phép chỉ có hiệu lực trong vòng 1 ngày. Cho nên, ông đang xem xét, cân nhắc, lựa chọn ngày có thời tiết đẹp để xin giấy phép, nếu trời mưa, gió giông to quá, thì coi như mất công đi xin giấy phép.
Nhưng bình thường bay vào sáng sớm thì không có gió, mưa, còn bay vào buổi chiều thì nhiều khó khăn hơn.
"Sau khi bay thử nghiệm xong, tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, khi bay thành công, tôi sẽ ra làm việc với Hiệp hội hàng không - vũ trụ Việt Nam về công nhận bản quyền.
Lúc đó nếu nhà nước cho phép, tôi sẽ làm hệ thống đi phun thuốc trừ sâu để giúp đỡ cho bà con nông dân. Dần dần nếu đủ điều kiện về tài chính tôi sẽ xin được phục vụ cho việc quay phim, giúp đỡ tìm kiếm cứu nạn khu vực nhỏ", ông Hiển tiết lộ.
Châu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét