Qua 7 năm cần mẫn trên mảnh đất Gia Lai, nhóm các nhà khảo cổ đến từ Viện khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga cùng Viện Khảo cổ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã phát hiện một sự thật chấn động giới khoa học về một công xưởng của người nguyên thủy.
Theo những bằng chứng khảo cổ, gần 800.000 năm trước Công nguyên trên mảnh đất này đã có chế tác dạng công xưởng của người nguyên thủy.
Một mẫu đá được ghè 1 mặt tìm thấy ở Gia Lai. Ảnh: Sputnik Việt Nam |
Hay đúng hơn, của các tiền nhân "người khôn ngoan" còn được gọi là "homo sapiens". Trong số những hiện vật vừa tìm thấy có công cụ độc đáo mà "homo erectus" dùng để săn bắn, chặt tre và đào đất.
Trước đây có định đề cho rằng người cổ đại chỉ chế tác công cụ khi nào cực kỳ cần thiết. Thế nhưng hóa ra từ hàng triệu năm trước đây, sản xuất công cụ đã là hoạt động hàng loạt và được thực hiện ở trình độ cao. Cho đến đầu Công nguyên cư dân đôi bờ thượng lưu sông Ba trên đất Gia Lai đã thực sự bước vào thời đại văn minh Kim khí.
Phát hiện của các nhà khoa học Nga đặt dấu chấm hết cho những giả định được thảo luận trên thế giới suốt 40 năm qua theo nhiều khía cạnh. Người ta quen cho rằng sự hình thành con người đã diễn ra trên địa bàn châu Phi như là nơi phát xuất đầu tiên, nhưng phát hiện mới ở Việt Nam là cơ sở để các nhà khoa học Nga chứng minh rằng quá trình tiến hóa của con người khôn ngoan diễn ra song song trên những châu lục khác nhau.
Được biết, các nhà chuyên môn Việt Nam dự định kết hợp với các nhà khoa học Nga xúc tiến dự án qui mô trong ít nhất 2-3 năm và trong tương lai trên lãnh thổ Việt Nam sẽ xây dựng một Trung tâm nghiên cứu về sự tiến hóa của con người.
Tiến hành khai quật tại Gia Lai thời điểm năm 2016. |
Trước đó, trong cuộc họp báo về thông báo kết quả ban đầu về phát hiện di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại đá cũ ở Việt Nam hôm 11/4 do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công bố, 5 di tích thời đại đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai là: Gò Đá, Rộc Tưng, Rộc Lớn, Rộc Hương, Rộc Giáo.
Các hố khai quật đã tìm thấy 58 hiện vật đá, gồm: 9 công cụ mũi nhọn, 5 công cụ chặt kiểu chopper, 9 nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch không địa hình, 12 mảnh tước và 12 hạch đá. Hầu hết công cụ ở đây được làm từ đá quartz. Trong các hố khai quật này còn tìm thấy 21 mảnh tectit (thiên thạch) phân bố trong lớp văn hóa chứ công cụ đá.
Điều đó có nghĩa là, tectit từ vũ trụ xuống đây khi tầng văn hóa đã và đang hình thành.
Một mảnh đá thiên thạch tectit được tìm thấy ở Gia Lai. |
Các chuyên gia cho rằng, tổ hợp công cụ và niên đại của di tích An Khê là tương đương với giai đoạn Người vượn đứng thẳng (Homo erectus) - là một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại trên thế giới.
Theo các nhà khoa học, những kết quả phát hiện ban đầu về di tích khảo cổ học sơ kì thời đại đá cũ ở Việt Nam sẽ có giá trị cho việc biên soạn lịch sử quốc gia, xây dựng bản đồ khảo cổ học Tây Nguyên, đề nghị xây dựng vùng An Khê, Gia Lai là di tích đặc biệt quốc gia.
Kim Chi(Tổng hợp Sputnik/VNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét