Ngày 5/5, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, trước lo ngại của nhiều chuyên gia về dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện do Công ty TNHH Xuân Thiện (thuộc Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có câu trả lời về quan điểm của Bộ liên quan đến dự án này.
Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện có mức đầu tư 24.510 tỷ đồng. |
Theo đó, ông Tự khẳng định dự án mới ở bước rất sơ khai, mới đề xuất ban đầu. "Tuy nhiên, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ KH&ĐT đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan. Chúng tôi đã nhận được một số ý kiến có sự đồng thuận khá cao của các bộ, ngành, địa phương, nhưng đây mới chỉ là ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án.
Muốn đầu tư dự án, còn phải qua ít nhất 2 bước nữa. Trước hết là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án. Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư. Với các nhà đầu tư, chúng ta rất khuyến khích các đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là anh được lựa chọn làm nhà đầu tư.
Quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Nghị định 15 về PPP", Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tự, Bộ nhận thấy dự án chắc chắn có tác động đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào, trong quá trình thực hiện như nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện, các âu tàu… thì phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định báo cáo này.
"Chúng tôi đã bước đầu báo cáo Chính phủ. Dự án này kéo dài từ Lào Cai suốt dọc sông như vậy, ảnh hưởng khá nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Và đặc biệt cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ. Tất cả những vấn đề như vậy hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu. Những vấn đề môi trường mà nhà báo quan tâm là hoàn toàn chính đáng và chỉ có thể giải quyết được ở giai đoạn sau", ông Tự nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo sau đó của Bộ Công thương, trả lởi câu hỏi của báo chí về dự án giao thông tỷ đô dọc sông Hồng, ông Đỗ Đức Quân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng khẳng định: Hiện chưa có dự án thủy điện nào trên sông Hồng nằm trong quy hoạch của Bộ Công thương.
Ông nhấn mạnh, để trả lời về sự cần thiết và dự án này có phải là siêu dự án hay không thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT chứ không phải Bộ Công thương.
Ông cũng cho biết, khi dự án này thực hiện tận dụng làm thêm thủy điện thì khả năng phát điện cũng chỉ khoảng 200MW, không đáng kể nên chỉ là thủy điện nhỏ.
Ông cho rằng, nếu xem xét có hiệu quả, giá bán điện hợp lý vẫn có thể chấp nhận được.
Được biết, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành).
Dự án có mục tiêu là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng – Việt Trì và Hà Nội – Lạch Giang; cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ Kwh/năm.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhà đầu tư (Công ty TNHH Xuân Thiện) sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.
Tính toán sơ bộ của Xuân Thiện cho thấy, dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.
Minh Thái(Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét